Hà Giang – mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc – luôn là một điểm đến yêu thích dành cho những người đam mê xê dịch, yêu thích du lịch khám phá. Nơi đá cũng nở hoa, núi cũng biết làm lòng người say đắm.
Khám phá Hà Giang-mùa hoa tam giác mạch nở rộ cùng Gotrip chỉ với hơn 2 triệu.
Từ trung tâm thành phố Hà Giang, để đi tới các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc, chúng ta phải vượt qua quốc lộ 4C dài 185km với đèo Mã Pí Lèng hiểm trở.
Trên cung đường ấy, 63 năm về trước đã có những anh hùng viết lên huyền thoại – huyền thoại về con đường mang tên Hạnh Phúc.
Nhìn con đường uốn lượn như một dải lụa vắt ngang lưng núi, ít ai biết rằng 63 năm trước việc đi bộ cũng là một thử thách.
5 năm sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, hơn 8 vạn người dân tộc thiểu số thuộc 4 huyện phía sau những dãy núi của cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) gần như vẫn sống tách biệt với thế giới bởi ở đó không có đường. Để ra được bên ngoài, họ chỉ có cách leo qua các vách đá tai mèo nhọn hoắt, dựng đứng cheo leo.
Không để bà con phải chờ đợi lâu hơn nữa, Trung ương đã quyết định mở con đường huyết mạch nối từ thị xã Hà Giang đi Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc để giúp bà con nhân dân thuận tiện trong đi lại, giao thương và tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Con đường được chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên là Hạnh Phúc, khởi công vào ngày 10/9/1959.
Các thanh niên xung phong tham gia mở đường Hạnh Phúc ngày ấy.
1200 thanh niên xung phong mở đường khi ấy có “chế độ là” 7 lạng lương thực/người/ngày (chủ yếu là khoai, sắn, ngô độn với ít gạo), nước ngọt tiết kiệm từng giọt, 1 bộ quần áo/năm, đời sống tinh thần cũng thiếu thốn khi cả năm mới có một lần được xem xi-nê, lại còn bị thổ phỉ hoành hành. Bao nhiêu thiếu thốn đó vẫn không thể quật ngã họ, nhưng sốt rét thì có.
6 năm ròng rã cheo leo trên những vách đá, có 14 TNXP đã ở lại mãi mãi với con đường Hạnh Phúc, 13 trong số đó là do sốt rét.
Nhưng trong ký ức của những người thanh niên mở đường Hạnh Phúc khi ấy, sốt rét vẫn không phải điều đáng sợ nhất đối với họ mà chính là chặng đường cuối cùng: mở đèo Mã Pí Lèng để nối Đồng Văn với Mèo Vạc.
Những sợi dây thừng được nối từ trên núi xuống để giữ an toàn cho anh em.
Khi mở đoạn đường này, từ năm 1963 đến tháng 3/1965, công trường đã lập ra một đội cảm tử mang tên Cơ Dũng với 17 người ban đầu, sau tăng lên 30 người. Sở dĩ gọi là đội cảm tử bởi vì những thanh niên ấy ngày ngày phải treo mình trên vách đá cheo leo, dùng xà beng và búa chỉ để mở một con đường rộng 0,4m, vừa đủ để đặt bàn chân lên đó rồi mới tính đến chuyện đục lỗ tra thuốc nổ đặt mìn phá đá. Công việc kéo dài trong suốt 11 tháng trời. Chỉ một chút sơ sẩy, tính mạng của họ sẽ không còn.
Ngày đó, công trường đã bí mật đóng 11 cỗ quan tài giấu ven đường để kịp lo hậu sự cho các anh em trong trường hợp bất trắc. Mỗi ngày trước khi lên dây, các anh em đều đọc tuyên thệ.
Không ai trong đội Cơ Dũng gặp nạn trong 11 tháng đó, nhưng vẫn có 1 chiếc quan tài phải dùng tới khi anh Đào Ngọc Phẩm trong lúc kiểm tra công trình, phát hiện có đá lở đã lao tới đẩy hai bố con người Mông ra ngoài. Họ tránh được tai nạn, nhưng anh thì mất đà và rơi xuống vực.
Ngày 10/3/1965, sau gần 6 năm ròng rã với hơn 2 triệu ngày công cùng với máu thịt của các thanh niên xung phong, con đường Hạnh Phúc đã chính thức được hoàn thành, mở đường cho 8 vạn bà con dân tộc tiếp cận với thế giới bên ngoài.
Các đồng đội về lại khu tưởng niệm liệt sĩ TNXP mở đường Hạnh Phúc để thắp cho đồng đội những nén hương.
Từ Yên Minh về Quản Bạ, chúng ta cũng được chứng kiến những đổi thay của một vùng quê biên ải. Bà con dân tộc ít người giờ đây cũng đã làm quen với việc trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao để tiếp cận với sản xuất hàng hoá. Mỗi xã biên giới cũng có từ 3-5 công trình trường học để con em được học cái chữ để thoát đói nghèo.
Không chỉ có thế, việc phát triển du lịch của địa phương trong những năm vừa qua cũng giúp cuộc sống của bà con nơi đây bớt đi nhiều khó khăn. Núi Cô Tiên, cổng trời (Quản Bạ); rừng thông (Yên Minh); cột cờ Lũng Cú, khu nhà Vương, phố cổ, chợ phiên (Đồng Văn); chợ tình Khau Vai (Mèo Vạc) đang là điểm đến hấp dẫn của du khách gần xa.
Ngày hôm nay, khi đi trên thênh thang con đường, vượt dốc chín khoanh, đứng trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng nhìn xuống dưới dòng Nho Quế hiền hoà êm trôi, những người trẻ chúng ta chắc sẽ không thể tưởng tượng nổi cách đây hơn 60 năm, cha ông ta đã kiên cường đến như thế nào khi treo mình trên những vách đá dựng đứng sừng sững để tạo nên con đường huyền thoại này.
Sông Nho Quế nhìn từ trên đỉnh Mã Pí Lèng. Ảnh: @Philan
Qua xã Pải Lủng, chúng ta sẽ thấy khu tưởng niệm các thanh niên xung phong mở đường Hạnh Phúc với tượng đài và nhà bảo tàng đã hiện diện ở đó, trên trập trùng của những ngọn đá tai mèo. Hãy dừng lại, thắp cho những người anh hùng ấy một nén nhang để cảm tạ những gì mà họ đã làm cho chúng ta ngày hôm nay. Họ chính là những người tạo nên con đường huyền thoại mà chúng ta đang đi qua.
————–
Tháng 10 này, GoTrip tiếp tục triển khai tour Hà Giang – Yên Minh – Đồng Văn và tour Hà Giang mùa hoa tam giác mạch khởi hành vào thứ 6 hằng tuần.
Đi với GoTrip, chúng tôi sẽ đưa các bạn đến với cung đường Hạnh Phúc để hiểu phần nào những khó khăn, vất vả mà thế hệ cha ông ta đã trải qua và kể cho các bạn nghe những câu chuyện thật thú vị về lịch sử, văn hoá và cuộc sống nơi đây.
Xem chi tiết tour:
- Tour Hà Giang mùa hoa tam giác mạch: https://gotrip24h.com.vn/product/tour-ha-giang-mua-hoa-tam-giac-mach-2022/
- Tour Yên Minh – Đồng Văn: https://gotrip24h.com.vn/product/tour-yen-minh-dong-van-2n2d-2-190k/