Phú Quốc không chỉ là địa điểm nổi tiếng với những bãi biển trong xanh, mà còn nổi tiếng bởi nền ẩm thực về hải sản phong phú.
Những tín đồ du lịch thường rỉ tai nhau: đến Phú Yên nhất định phải ăn mắt cá ngừ đại dương mà tới Phú Quốc thì không được bỏ qua cua huỳnh đế.
Bạn đã bao giờ nghe đến món ăn tiết canh cua?
Giá thành món ăn này thuộc dạng tương đối đắt đỏ, tuy nhiên du khách đến Phú Quốc đều không tiếc tay chi tiền để thưởng thức được món ăn bổ dưỡng, độc lạ. Cùng GoTrip – Du lịch Việt Nam tìm hiểu xem món ăn này có gì hấp dẫn mà “gây nghiện” được nhiều du khách như thế nhé.
Nguồn gốc
Đầu tiên, xuất phát từ nhu cầu “giải khát”. Khi người ngư dân đánh bắt xa bờ, lênh đênh trên biển nhiều ngày, nước ngọt dự trữ đã hết, và cũng không kịp ghé những hòn đảo xung quanh để tiếp tế thêm nước nên đã nghĩ cách bẻ càng cua và uống chất dịch bên trong để làm dịu cơn khát.
Chất dịch ở chân cua có vị ngọt nhẹ, không tanh nên dễ uống. Đó chính là nguồn gốc ra đời của món tiết canh cua sau này.
Cách chế biến
Tuy nhiên, không phải loại cua nào cũng có thể dùng làm “tiết canh”. Người ta thường chọn những con cua to 800g – 1000g, nhất là những loại nhiều gạch như cua huỳnh đế. Muốn làm được tiết canh cua ngon, thì phải kết hợp 2 loại cua: cua gạch và cua thịt.
Cách chế biến và lựa chọn nguyên liệu cũng tương đối kỳ công, đòi hỏi người đầu bếp phải có kinh nghiệm. Phần nhân của món ăn này được làm từ thịt cua. Cua được luộc với chút rượu để khử mùi tanh và giúp cho phần thịt được thơm hơn. Cua chín được tách lấy phần thịt, chờ nguội và được tẩm ướt gia vị vừa ăn. Cho thêm ít ngò gai, tía tô, rau húng xắt nhuyễn và chút lá quế để giảm bớt vị nồng của cua.
Phần thịt cua được trộn đều, thấm đẫm gia vị và rau thơm xắt nhuyễn.
Công đoạn khó và quan trọng nhất là cắt tiết cua, thường chỉ người lành nghề mới cắt tiết cua “đạt chuẩn”. Cua được rửa sạch và buộc những chiếc càng thành một chùm. Đầu bếp dùng kéo sắc cắt gọn đốt thứ hai của chân cua để “tiết” chảy ra. Tiết cua có màu trắng, chảy nhỏ giọt trực tiếp xuống đĩa thịt cua đã được tẩm ướp gia vị và rau thơm. Sau khi thu được hết tiết cua có thể thêm phần gạch cua vào để món ăn có màu vàng và độ béo hấp dẫn.
Cắt tiết cua đòi hỏi sự chuyên nghiệp và lành nghề của người đầu bếp.
Phần tiết cua sau khi đông sẽ có một lớp váng nước nổi lên trên, đầu bếp sẽ khéo léo hớt sạch phần nước này, để khi tiết cua đông lại sẽ như rau câu. Tiết cua sau khi đông sẽ ngả màu hơi xanh, ăn kèm với rau thơm, lạc rang, khế chua và chuối chát. Tùy sở thích của thực khách, có thể vắt thêm chanh để làm tái tiết canh.
Giá cả
Ở Phú Quốc, cua huỳnh đế có giá khá cao, một bát tiết canh cua cho 1-2 người ăn có giá khoảng 1 triệu đồng. Tùy từng nơi, người ta có thể dùng loại cua nhiều gạch và thịt khác để món ăn này có giá thành phù hợp hơn.
Một suất tiết canh cua được làm từ cua thịt và cua huỳnh đế có giá khoảng 1 triệu đồng.
Món ăn này có vị thơm ngon của thịt cua, ngọt béo của gạch và bạn sẽ rất khó có thể tìm thấy ở món ăn nào khác những vị đặc trưng như vậy. Tiết canh cua thường được ăn kèm với bánh đa nướng giòn, thêm ít rau mùi tàu, diếp cá, khế chua, chuối chát để làm tăng hương vị đặc trưng của món ăn trứ danh này.
Hiện nay món tiết canh cua cũng xuất hiện ở nhiều tỉnh thành Huế, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh… song tiết canh cua làm từ cua huỳnh đế và cua thịt ở Phú Quốc vẫn được nhiều khách nhận xét là “đắt xắt ra miếng” với hương vị thơm ngon, hấp dẫn hơn cả.
Đặt tour Phú Quốc nhà GoTrip để thưởng thức món “đệ nhất tiết canh” này nhé.
Nguồn ảnh: St