Bí ẩn hòn đá trong căn bếp của người Hà Nhì

Ngồi bên bếp lửa trong ngôi nhà trình tường của người Hà Nhì ở Y Tý, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy có một hòn đá được đặt ở bên cạnh bếp. Thoạt nhìn thì không có gì quá đặc biệt, nhưng đó lại là nơi thờ một vị thần.

Vị thần ấy có tên là Phu Chu Ma.

Tour săn mây Y Tý chỉ hơn 2 triệu đồng.

Phu Chu Ma là ai?

Thần Phu Chu Ma đã hiện diện trong văn hóa của người Hà Nhì từ bao đời nay, không ai nhớ bắt nguồn từ đâu, nhưng gia đình người Hà Nhì nào cũng có một Phu Chu Ma. Thậm chí, một gia đình người Hà Nhì nếu chuyển nhà có thể bỏ lại nhiều thứ, nhưng vẫn phải đưa Phu Chu Ma của nhà đi theo.

Mỗi gia đình người Hà Nhì đều có một hòn đá thần trong bếp.

Theo quan niệm của người Hà Nhì, đá chính là vật tạo ra lửa. Vì thế, mỗi khi gia đình về nhà mới, chủ nhà phải đi tìm một hòn đá (thường có dạng hình trụ) ở trong rừng sâu, hiếm người qua lại, chưa từng có dấu hiệu bị tác động của con người thì mới được mang về nhà. Sau khi mang về, chủ nhà phải vệ sinh sạch sẽ rồi đặt cố định vào bên trong bếp lửa và làm lễ cúng. Đặc biệt, chủ nhà không được phép làm thay đổi hình dạng của hòn đá.

Vì là đá tự nhiên nên không có hòn nào giống hòn nào. Tất cả tuỳ vào lựa chọn của chủ nhà khi đi tìm đá.

Hòn đá sau khi làm lễ cúng sẽ được coi như là sự hiện diện của thần Phu Chu Ma trong gia đình, có vai trò giữ ấm và mang lại may mắn cho gia đình đó. Đây cũng là bảo vật được gia đình truyền lại cho thế hệ con cháu.

Phong tục thờ thần Phu Chu Ma

Thời điểm từ tháng giêng đến tháng ba âm lịch hằng năm là khoảng thời gian thần Phu Chu Ma được “quan tâm” nhiều nhất trong năm. Bởi trong dịp này người Hà Nhì ở Y Tý có nhiều có nhiều ngày lễ quan trọng như tết Nguyên đán, lễ cúng rừng, tảo mộ, đám cưới… nên bếp lửa của các gia đình thường xuyên được sưởi ấm.

Theo quan niệm của người Hà Nhì, nếu căn bếp thường xuyên được đỏ lửa trong những ngày lễ tết đầu năm thì sẽ đem lại sự ấm áp và nhiều may mắn cho gia đình trong cả năm đó.

Trong những ngày lễ, phụ nữ trong nhà chuẩn bị rau, đậu và vào bếp chế biến món ăn; đàn ông thì mổ lợn, mổ gà làm mâm lễ vật cúng thần linh, gia tiên. Sau lễ cúng, chủ nhà phải đích thân vào bếp mời thần Phu Chu Ma ăn cỗ. Các món ăn sẽ được đặt bên cạnh hòn đá trong bếp. Người Hà Nhì cho rằng nếu như chủ nhà quên mời thần Phu Chu Ma thì cả năm sẽ không gặp may.

Anh Phu Suy Thó – một người Hà Nhì – đang mời Phu Chu Ma ăn cỗ.

Trong văn hoá tín ngưỡng của người Hà Nhì, Phu Chu Ma là một trong bốn vị thần được người dân thờ phụng tại nhà là trời, đất, nước và lửa. Thờ thần Phu Chu Ma là phong tục được người Hà Nhì ở vùng cao Bát Xát (Lào Cai) lưu truyền như một biểu tượng giữ ấm và mang lại may mắn cho gia đình, để cuộc sống luôn tiến lên với những hy vọng mới. Đây cũng là nét văn hóa đẹp trong đời sống của người Hà Nhì hiện nay đang được gìn giữ và phát huy giá trị.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *