Hà Nội mùa Đông năm 1946, thực dân Pháp huy động một lượng quân lớn cùng với xe tăng yểm trợ theo đường Bà Triệu tiến đánh trụ sở Bộ Tổng tham mưu của ta (nay là số nhà 18, phố Nguyễn Du, Hà Nội), nơi ra đời nhiều kế hoạch tác chiến và cũng là nơi phân phối vũ khí cho các lực lượng vũ trang Hà Nội.
Chiến sĩ trẻ Trần Thành, khi ấy là trung đội trưởng thuộc tiểu đoàn 212 mặt trận Hà Nội đã chỉ huy đồng đội chặn đánh địch, bẻ gãy nhiều đợt tiến công, tiêu diệt sinh lực địch và phương tiện chiến tranh của chúng, giữ vững được cơ quan và bảo đảm an toàn cho một số lớn thương binh của ta đang còn mắc kẹt lại. Riêng anh Trần Thành đã dùng bom ba càng đánh hỏng một xe tăng địch ở ngã tư Bà Triệu – Trần Quốc Toản khiến địch phải rút chạy.
Bức ảnh chiến sĩ cảm tử Trần Thành trước giờ phút hy sinh.
Chiều ngày 23/12/1946, thực dân Pháp tập trung thêm lực lượng tiến hành phản công quân ta. Người chiến sĩ Trần Thành lại một lần nữa ôm bom ba càng lao về phía xe tăng địch. Thế nhưng, quả bom không nổ, Trần Thành anh dũng hy sinh. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Khoản đã kịp chụp lại khoảnh khắp lịch sử trước khi chiến sĩ Trần Thành gục xuống dưới làn mưa đạn của kẻ thù. Hình ảnh ấy sau đó đã trở thành một hình ảnh biểu tượng, một bài học lịch sử quý giá dành cho thế hệ sau.
Tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh.
Ngày nay, khi đi qua vườn hoa Hàng Đậu, bạn sẽ thấy tượng đài “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” với hình ảnh chiến sĩ Trần Thành ôm bom ba càng cùng đồng đội tiến công tiêu diệt kẻ thù xâm lược.