Không biết cơm lam xuất hiện từ bao giờ, những đã từ rất lâu, đây là món ăn không thể thiếu trong các dịp lễ của đồng bào các dân tộc vùng cao Tuyên Quang.
Cơm lam – món ăn thân thuộc với bà con miền núi.
Các vị cao niên thương kể lại rằng, xưa, những người đi nương rẫy hoặc săn bắn lâu ngày trong rừng chỉ mang theo gạo nếp và một nắm muối. Trong rừng không có nồi để nấu cơm, họ chặt ống tre, nứa, bỏ gạo bỏ muối vào ống đun lên ăn qua bữa. Không ai ngờ món ăn dân dã đã ra đời trong sự thiếu thốn ấy, giờ lại trở thành đặc sản riêng của miền núi.
Đặc sản cơm lam hóa ra lại có nguồn gốc cực dân dã.
Muốn làm được món cơm lam ngon phải khá cầu kỳ, bắt đầu từ khâu chọn cây tre để làm ống. Ống tre được sử dụng để làm cơm lam phải là cây tre cái, không mỏng, không dài. Nếu tre non quá, khi nấu dễ bị nứt vỡ, những nếu tre già quá sẽ không còn lớp màng lụa mỏng, cơm sẽ bị thiếu đi hương vị độc đáo vốn có. Ống tre đúng độ tuổi mới có nước ngọt đọng trong thành ống, khi nấu sẽ tạo hương vị riêng biệt độc đáo của núi rừng.
Cơm lam là món quà cho các bạn nhỏ trong các dịp đi tham quan.
Gạo để nấu cơm lam phải là loại gạo nếp thơm, trắng, dẻo, mới thu hoạch về. Gạo đem vo sạch, ngâm nước chừng 2-3 giờ, sau đó với ra trộn một ít muối cho đều rồi đổ gạo vào ống tre đã có sẵn nước tự nhiên, đổ thêm nước cho xăm xắp gạo, nút lại bằng lá chuối. Sau đó, dựng các ống tre ở xung quanh đống lửa, đống lửa to hay nhỏ sẽ làm cơm chính nhanh hay chậm, tay người xoay trở ống lam khéo léo sẽ giúp cơm được chín đều, không bị khét.
Hiện nay cơm lam có rất nhiều màu sắc và phong phú hương vị cho khách hàng lựa chọn.
Thường khoảng 1 tiếng đồng hồ cơm mới chín, lấy ống ra để nguội, dùng dao róc phần vỏ cháy đen bên ngoài. Đợi cho nguội hẳn, dùng tay bóc lớp vỏ lụa trắng ngà của ruột tre non. Cơm lam ăn với muối vừng và thịt kho là đúng kiểu và ngon nhất.